TCCV Online - Tròn 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vết thương chiến tranh đã dần lùi vào quá khứ để những vùng đất đau thương một thời bắt nhịp hồi sinh. Trên miền quê cát trắng Hải Lăng (Quảng Trị) cuộc sống dẫu còn bộn bề gian khó nhưng cũng đã kịp sinh sôi với bạt ngàn màu xanh hy vọng, với những giấc mơ tươi sáng, những dự cảm tốt lành… Hành trình vươn lên của miền đất dằng dặc gian khó này là cả một câu chuyện dài, được đánh đổi với biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của nhiều thế hệ con người Hải Lăng thủy chung, bất khuất, kiên cường...
Ký ức về người nữ anh hùng
Miền cát trắng Hải Lăng trong chiến tranh đã phải hứng chịu nhiều đau thương, mất mát. Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc thảm sát rúng động ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An khiến 526 dân thường vô tội thiệt mạng, rồi những cuộc càn quét, bố ráp, giết chóc…đã nhuốm nhiều làng chài cát trắng trong tang tóc đau thương. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mặt trận cánh đông huyện Hải Lăng lại trở thành tâm điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Tại đây đã diễn ra hàng trăm trận đánh lớn nhỏ của bộ đội chủ lực, dân quân địa phương với địch để bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị. Nhiều chiến sĩ bộ đội, dân quân du kích đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của làng. Trong số đó, sự hy sinh cao cả của nữ liệt sĩ Trần Thị Tâm được xem như một huyền thoại về lòng yêu nước, ý chí bất khuất, kiên trung của người con gái anh hùng nơi miền cát nắng gió.
Tìm về ngôi làng Thâm Khê, nơi nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm sinh ra, lớn lên và cống hiến cuộc đời cho cách mạng, chúng tôi có dịp gặp gỡ những đồng đội một thời chiến đấu với chị. Bên khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm vừa mới xây dựng, những ký ức về người nữ anh hùng này lại ùa về trong niềm xúc động khôn nguôi… Thắp nén hương thơm tưởng nhớ người con anh dũng của quê hương, bà Nguyễn Thị Bông (thôn Trung An, xã Hải Khê), cơ sở cách mạng giai đoạn 1968- 1972, cảm thấy bồi hồi. Bà kể, thời điểm năm 1968- 1972, giữa anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm và đồng đội có quá nhiều kỷ niệm. Bà Bông không thể nào quên trong một lần đứt liên lạc, không có cơm ăn, áo quần để thay, chị Tâm phải xin từng củ môn, củ khoai về múc nước biển lên nấu ăn để có sức chống chọi với địch. Không có quần thay, chị phải giả vờ đi cuốc đất và nhặt được một chiếc quần của lính Mỹ để lại về cắt làm quần cộc để mặc. Với bà Bông, chị là người con gái bình dị nhưng mang trong mình sự gan dạ, lý tưởng cách mạng cao đẹp, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Còn bà Trương Thị Lánh, nguyên là thôn đội trưởng thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, người từng sát cánh cùng chị Tâm chiến đấu bảo vệ quê hương trong thời kỳ ác liệt nhất vẫn nhớ như in trong một lần Mỹ đem xe về bao vây xã Hải Khê, bà Lánh cùng chị Tâm phải vòng qua đường biển vào thôn Trung An đưa tiểu đội du kích mở thoát vòng vây. Nhờ sự khéo léo, gan dạ, 2 tiểu đội du kích đã thoát khỏi vòng vây của địch an toàn.
Những câu chuyện về chị Tâm vẫn được đồng chí, đồng đội, người làng kể rất nhiều với tất cả sự khâm phục, biết ơn sâu sắc. Chị Tâm chính là hiện thân, là biểu tượng bất khuất, kiên trung của vùng đất nắng gió Hải Lăng. Lịch sử vẫn còn ghi lại rằng: Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm sinh năm 1950 tại thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng. Chị tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Từ năm 1968 đến năm 1971, chị kiên trì bám đất, bám dân, xây dựng củng cố cơ sở, củng cố phong trào, đánh địch bảo vệ nhân dân. Hai lần bị địch bắt tra tấn dã man, chị Tâm vẫn kiên trì chịu đựng, giữ vững khí tiết cách mạng. Chị cùng cán bộ địa phương xây dựng đội du kích từ 7 người lên 100 người, tổ chức các đoàn thể quần chúng vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào chống địch kìm kẹp; đồng thời làm công tác binh vận, địch vận đạt nhiều kết quả tốt. Trong nhiệm vụ chiến đấu, Trần Thị Tâm cùng tổ du kích diệt 180 tên địch, phá hủy 4 xe quân sự, riêng chị diệt 30 tên, phá hủy 2 xe ô tô. Quá trình chiến đấu nhiều lần thấy máy bay địch bay thấp sát mặt đồi, chị nghĩ cách làm bù nhìn trong đó gài mìn, đặt trên đồi cát. Khi máy bay địch đến, luồng gió do cánh quạt làm bù nhìn lay động, mìn nổ, máy bay địch rơi. Chị còn tích cực vận động nhân dân nuôi giấu, chăm sóc 100 thương binh chu đáo, an toàn. Trong trận chiến đấu với 1 tiểu đoàn địch có máy bay, xe tăng yểm trợ, chị Tâm đã anh dũng cùng 2 đồng đội chiến đấu suốt một ngày, diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, ngăn cản cuộc hành quân càn quét của Mỹ - ngụy tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng. Tại trận đánh này, chị đã hy sinh khi vừa tròn 22 tuổi. Ghi nhớ công lao của chị, tháng 5/1972, Trần Thị Tâm đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khoảng trời tươi sáng
Hải Lăng hôm nay đã dần đổi da thắm thịt, miền cát nơi đất này đang hồi sinh mạnh mẽ. Có dịp đi qua miền biển bãi ngang bây giờ, nhiều người sẽ cảm nhận được những đổi thay, sự hối hả và niềm vui khó tả trên gương mặt mỗi người dân. Kế thừa những chiến công hiển hách trong chiến đấu của quân và dân, của những người anh hùng kiên trung mà bình dị của quê hương, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã vùng biển, vùng cát của Hải Lăng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xã Hải Khê, Hải An những năm gần đây đã có bước phát triển đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Trong đó các địa phương đã tập trung phát triển một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như: Khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao, nuôi tôm trên cát, thương mại dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt. Các lĩnh vực về văn hóa, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, an ninh quốc phòng… cũng được thực hiện tốt.
Đối với các xã Hải Khê, Hải An- các địa phương nằm ở vị trí trung tâm trong quy hoạch tổng thể của cảng nước sâu Mỹ Thủy, Khu Đông Nam Quảng Trị nên chắc chắn rằng cơ hội phát triển trong tương lai, khi dự án này đi vào hoạt động là rất lớn. Những tín hiệu đầu tiên mang lại niềm hân hoan lớn cho nhân dân trong vùng khi dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện 1 do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đang hoàn thành thủ tục trình Bộ Công thương phê duyệt để đầu tư trong thời gian tới. Mới đây, đồ án quy hoạch chi tiết Khu dịch vụ, du lịch biển Hải Khê đã được hình thành. Theo đó, khu dịch vụ, du lịch này sẽ được xây dựng trên khu vực bãi biển 2 thôn Trung An và Thâm Khê với tổng diện tích 15 ha, có tổng mức đầu tư 23,6 tỷ đồng. Đây sẽ là khu dịch vụ phụ trợ nhằm đón đầu phục vụ việc triển khai xây dựng dự án Khu Đông Nam mà trọng tâm là các nhà máy nhiệt điện trong thời gian sắp tới. Việc thực hiện đầu tư các dự án ban đầu trên sẽ là bước khởi động quan trọng, góp phần thúc đẩy việc hiện thực hóa “giấc mơ về cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và khu Đông Nam” trong tương lai gần.
Bây giờ, Khu Đông Nam Quảng Trị đã được quy hoạch với dự kiến trên diện tích khoảng 20.000 ha bao gồm các xã ven biển của Hải Lăng, Triệu Phong và một phần của Gio Linh. Giai đoạn 1, đề án Khu Đông Nam này dự kiến chỉ tập trung xây dựng trên diện tích 15.000 ha, với một khu kinh tế tổng hợp, đa chức năng gồm công nghiệp, xây dựng, vật liệu cao cấp, sản xuất điện năng, chế biến nông lâm, thủy sản và dịch vụ…
Miền cát trắng đã từng hứng chịu nỗi đau chiến tranh năm xưa, với khó nghèo, thiên tai khắc nghiệt giờ đây bắt đầu lật sang những trang mới đầy tươi sáng. Giấc mơ về một khu kinh tế năng động, hiện đại dần được hiện thực hóa nơi những ngôi làng chài nắng gió đang trở nên thật gần…
Đ.V
Theo Báo Quảng Trị