Đã từ lâu tôi có thói quen cứ đêm đêm, trước khi đi ngủ, thường xé tờ lịch tường ngày cũ, liếc mắt qua tờ lịch hôm sau một cái rồi mới lên giường buông màn. Có lẽ nhờ vậy tôi có thể đi vào giấc ngủ khá ngon lành với một thoáng vui ngày mai chớp đến trong trí não. Mọi chuyện tưởng cứ thế êm trôi, nhưng bước sang năm nay, tâm trạng dần dà đâm ra ngày càng băn khoăn, tuy chưa đến mức bất an, nhưng quả là không còn được như xưa. Tất cả chỉ vì những tờ lịch đáng yêu.
Tết năm nay, tôi được một anh học trò cũ khá thành đạt đang làm ăn xa mang biếu một cuốn lịch treo rất to và rất đẹp, nặng hơn một ký, màu sắc rực rỡ. Tôi treo cuốn lịch lên tường đúng nơi lâu nay vẫn treo, và đêm đêm lại xé lịch rồi đi ngủ. Thế rồi một hôm, tôi quan sát kĩ các hình vẽ trên tờ lịch, thấy trên đó có hình mặt một chiếc trống đồng Đông Sơn, dù in chìm ảo mờ song nhìn lâu cũng nhận ra mọi chi tiết. Tôi giật mình khi bỗng thấy người làm lịch đã phạm một lỗi không nhỏ. Đó là tất cả hình chim muông, thú vật, cho đến con người trên mặt trống đều quay theo chiều kim đồng hồ quanh hình ngôi sao ở giữa, trong lúc trên tất cả những chiếc trống đồng xưa tìm thấy ở Việt
Hình ảnh những cánh chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ nói lên điều gì, vì sao không bay theo chiều ngược lại? Tôi tự hỏi câu ấy nhiều lần, bởi những giải thích của các nhà chuyên môn không làm tôi thoả mãn. Có ý kiến cho rằng đó là hình ảnh con người ngược thời gian trở về với tổ tiên, thậm chí có người còn cho đó là người xưa mô phỏng theo chiều tự quay của trái đất!...
Tôi xem kĩ, đến tận tờ lịch cuối cùng của năm, và thấy không hiểu sao lại thế. Vì sao đàn chim Lạc ở đây bay xuôi? Cái câu hỏi ấy vấn vương mãi trong tâm trí khiến tôi sinh ra cứ thao thức mãi.
Một đêm, lúc đã gần sáng, tôi vừa chợp mắt thì thấy một bóng hình xuất hiện bên giường. Đó là một ông già dáng dấp kì dị, mình vấn tấm vải gai, đóng khố, chân cũng đi dép vải, râu tóc trắng xoá, trên đầu cắm ba chiếc lông chim bạch hạc, tay chống gậy trúc… Tôi nghĩ mình gặp Tiên chăng? Thoắt sau, tôi cùng cụ già đã đứng giữa một cánh đồng, và câu chuyện giữa hai chúng tôi được ghi lại sau đây là tôi đã “chuyển ngữ” thứ lời ăn tiếng nói cách nay ba ngàn năm thành câu chữ bây giờ.
* * *
- Dạ… Thưa… Cụ là Tiên giáng trần chăng?
Cụ già mỉm cười:
- Ta người xứ này, tức đồng hương cùng nhà ngươi thôi. Ta khuất mặt trần gian đã ngót ba ngàn năm nay, giờ mới tái xuất.
Nghe thế tôi càng trở nên mất hết tinh thần, dù tôi được mọi người coi là kẻ to gan.
- Đừng nhìn ta thế, cũng đừng sợ - ông Tiên động viên tôi – Ta là Tù trưởng xứ Đoài, người đời gọi ta là Lạc Đoài, đứng đầu một xứ dưới thời Tổ vương danh giá của nước Lạc Việt. Ngày nay thiên hạ lập đền thờ, rồi còn chọn ngày Giỗ Tổ vua Hùng làm ngày quốc lễ. Thật tuyệt vời! Gần tháng nay đêm nào ta cũng thấy ngươi trằn trọc, khiến ta phải tìm gặp. Vì sao ngươi mất ngủ? Có phải ngươi ngạc nhiên và lấy làm buồn về hình những con chim Lạc trên mặt trống đồng trong cái tờ lịch người ta vẽ bậy bay ngược chiều với cái chiều như vốn dĩ xưa nay vẫn thấy trên những chiếc trống đồng phải không? Đáng quý thay hậu thế có kẻ còn biết trằn trọc vì tổ tông đã mịt mờ trong sương khói… Ngót ba ngàn năm trước, lúc đó ta đang tuổi tráng niên, ta cũng đã phải mất ăn mất ngủ vì những cánh chim ấy đấy.
Tôi quỳ mọp xuống đất, hai bàn tay ôm gối vị Tù trưởng. Thấy vậy, Tù trưởng Lạc Đoài dìu tôi đứng lên, nói tiếp:
- Ta nghe nói đâu đâu cũng đào được trống đồng. Ngày nay thiên hạ đã đào tìm được mấy loại trống đồng?
Tôi vận hết trí nhớ, kể ra một loạt, nào trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Làng Vạc, trống đồng Phú Phương…
- Thế ngươi có nhận xét gì về các vũ nữ, vũ sĩ cũng như chim muông, hổ báo, hươu nai, các con thuyền vẽ trên mặt trống?
- Thưa… rất đẹp ạ.
- Còn cách sắp xếp?
- Thưa… dù các trống đồng được làm ra ở nhiều xứ sở và thời gian có khi rất xa nhau với độ to nhỏ, cao thấp và các hoạ tiết cũng không giống nhau nhưng tất cả đều cùng một hướng bay tới, đi tới. Đó là hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Tù trưởng Lạc Đoài giương mắt:
- Ngược chiều kim đồng hồ là nghĩa làm sao? Tổ vương của ta gọi đó là hướng “thuận thiên - hợp địa”, chứ đồng hồ là cái chi chi?

Minh họa: Trương Minh Dự
Tôi phải mất một lúc để giải thích cho con người ba ngàn năm trước về cái đồng hồ thời ta sống cũng như khái niệm thời gian, xưa, nay. Nghe xong, Tù trưởng gật đầu ra ý hiểu, rồi kể tôi nghe mọi chuyện, từ việc khai thác, đến kĩ nghệ đúc đồng ở các làng nghề, việc chọn mẫu hình… Tất cả mười mấy vị tù trưởng của các xứ đều được Vua Hùng vời đến cung vua để bàn bạc. Mọi việc tiến triển tương đối nhanh, nhưng đến khâu trang trí trên mặt trống mới rắc rối, bởi phải thể hiện ở đó bộ mặt, sức sống, bản lĩnh, đặc điểm của đất nước, chứ đâu chỉ là chuyện vẽ vời tầm thường chim thú cho vui.
Cuộc họp bàn rất sôi nổi, thẳng thắn, ai có cao kiến gì cứ nói ra. Thế là các tù trưởng đều có ý kiến. Người bảo nên cho mọi thứ quay ngược, kẻ nói tốt nhất là quay xuôi… Kết quả là mười mấy vị tù trưởng chia đều hai phe, nhà vua cũng không thể đứng về một phe nào. Đang lúc chưa biết nên thế nào, thì đám thị tì bước ra nói nhỏ vào tai nhà vua là đã rất khuya rồi, Người phải giữ gìn long thể. Vậy là nhà vua phẩy tay, đứng dậy bảo mọi người đi nghỉ.
Sáng hôm sau, nhà vua dậy sớm. Sau khi khoác áo, vấn khăn, thắp nhang, đốt trầm lên bàn thờ Tổ, Người liền cho gọi các tù trưởng ra sân rồi dẫn lên một ngọn đồi cao trước hoàng cung. Từ đó có thể trông ra bốn phương tám hướng với phía trước là đồng rộng mênh mông có dòng sông xanh biếc chảy qua, xa xa là núi non trùng điệp, và trông về xuôi có thể thấy mờ mờ sương khói nơi mặt biển phẳng lì gợn sóng.
Khi ai nấy đã đông đủ, Vua Hùng bảo tất cả quây quanh Người, rồi nói:
- Trẫm đưa chư vị lên đây để hai con mắt sáng ra, chứ cứ cả ngày ngồi đằng sau màn the trướng gấm, hỏi phỏng còn thấy gì!
Các tù trưởng dạ ran. Thế rồi nhà vua bảo hãy ngó ta làm sao, thì chư vị cứ làm theo, và trả lời các câu hỏi của ta cho mạch lạc. Các tù trưởng đến gần hơn đằng sau lưng nhà vua, sẵn sàng đợi lệnh như năm kia đợi lệnh Người xông lên đánh tan đám rợ lùn, mặt to, da sẫm, trần truồng từ ngoài biển bơi thuyền da cá sấu tiến vào đất liền cướp phá.
Nhà vua, đầu ngửng cao, chầm chậm quay người nhìn ngược nhìn xuôi nhìn trên nhìn dưới, rồi dừng lại ở hướng chính
- Đây là phương nào trong bốn phương tám hướng của trời cao đất dày, chư vị?
- Kính cẩn thưa… Phương
- Phải rồi – Người hỏi tiếp – dân Lạc Việt chúng ta nên nhìn về phương
Mọi người đồng thanh hô “Nhìn về phương
- Nhớ lấy mà truyền lại cho con cháu ngàn đời, nghe chưa!
Tiếng dạ ran ran lúc một to. Nhà vua lại hỏi:
- Tổ tiên ta dạy ta kính nghiêm dâng thờ cái gì?
Mọi người trả lời rõ ràng quan niệm tôn giáo của dân Lạc Việt là tục sùng bái Mặt Trời và Chim vật Tổ. Nghe thế, Vua Hùng mừng lắm, mới hỏi vậy bây giờ từ phương chính Nam, ta nên quay theo hướng nào để đón được mặt trời mọc? Hướng Đông hay Tây?
- Kính cẩn thưa… theo phía tay trái, quay về hướng Đông, về hướng Đông!
- Chí phải! - Nhà vua nói dõng dạc - phương
Dứt lời, Nhà vua dang thẳng hai tay, rồi từ từ quay mặt dần hướng trái, về phía Đông, nơi mặt trời đỏ như quả cầu lửa đang từ từ dâng lên khỏi mặt biển. Khuôn mặt phúc hậu của Người tràn ánh nắng ban mai của mùa xuân. Rồi cứ thế, nhà vua chậm rãi quay một vòng tròn trên hai bàn chân trụ của mình. Bấy giờ đang đầu tháng ba, hoa đang thắm tươi trên cành, cỏ non mơn mởn khắp ruộng đồng bát ngát…
Các tù trưởng nhất nhất làm theo nhà vua. Hai tay dang thẳng, rồi từ hướng chính Nam, quay trái dần về phía Đông nơi có mặt trời đang lên trên biển cả thấp thoáng mấy cánh chim, từ đó lại quay lên hướng Bắc, rồi quay tiếp về phía hướng Tây, rồi quay trở lại nơi xuất phát ban đầu là hướng Nam. Những cái vòng tròn quay theo hướng Nam-Đông-Bắc-Tây hình thành từ các tù trưởng. Nhà vua vỗ tay bảo quay tiếp, quay nữa. Nhìn cảnh ấy, trong suy nghĩ của bậc hiền minh chợt trào dâng hình ảnh một đàn chim Lạc đang bay quanh mặt trời theo hướng mà lòng dạ mình đã ấp ủ từ lâu.
Các tù trưởng được lệnh ngừng quay, chấm dứt màn diễn hồn nhiên đầy hào hứng nhưng vô cùng ý nghĩa. Đó chính là biểu hiện của một cách nhìn, một thứ thế giới quan mộc mạc, thô sơ của một dân tộc với trọng trách trước miền đất, xứ sở đã được “định phận tại thiên thư”. Họ ôm nhau ca hát trong khi nhà vua sai rót rượu uống, cùng nhau cười tươi, rồi lần xuống núi.
Mọi người hiểu rõ ý chỉ của nhà vua, thật là sáng suốt. Vậy rồi tất thảy hình người, muông thú trên mặt trống đã được các nghệ nhân đúc đồng tài hoa cho quay theo hướng bậc cao minh đã lựa chọn, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vô tiền khoáng hậu, hội tụ hồn thiêng dân tộc. Phải chăng đây chính là “tấm Quốc huy” đầu tiên của quốc gia này?
* * *
Tôi toát hết mồ hôi, thức dậy trong bàng hoàng. Tôi chờ sáng trong tâm trạng nôn nao, rồi vẫy xe đến ngay bảo tàng. Tôi là vị khách đầu tiên của bảo tàng hôm nay. Tôi vội vã đi thẳng vào nơi có những chiếc trống đồng trong ánh sáng của đèn chùm. Tôi nhìn ngắm rất lâu, rồi biết là vi phạm, nhưng tôi không thể không tìm cách mó tay vào mặt một chiếc trống. Hơi đồng mát lạnh. Tôi tin nơi bàn tay tôi đặt vào, khoảng ba ngàn năm trước hẳn có bậc tiền nhân cũng đã từng đặt bàn tay lên. Tôi nhẹ gõ ngón tay lên mặt trống, và bỗng nghe vang lên một âm thanh trầm hùng, rất sâu, rồi cái âm thanh lạ lùng ấy ngân dài xa xôi như không tắt. Phải chăng đó là tiếng vọng về từ thăm thẳm lịch sử. Ý nghĩ đó làm tim tôi đập rộn. Niềm khả tín về sự từng tồn tại một thời đại mang tên thời Hùng Vương.
Mười tám cánh chim Lạc giang cánh, những chú hươu sao sừng tua tủa, những con thuyền lướt sóng, những vũ sĩ vung cao tay kiếm, những vũ công tay múa, chân bước, ánh mắt long lanh… Tất cả, tất cả gọi nhau cùng bay theo hướng “thuận thiên – hợp địa”. Tôi ngắm nghía, chiêm ngưỡng vầng mặt trời giữa mặt trống đồng toả sáng lên mọi vật đang bay chuyền xung quanh trong một vũ điệu mấy ngàn năm không dứt. Tôi hình dung bậc Tổ vương khai minh đứng giữa, bao xung quanh là toàn dân Lạc Việt múa ca. Đó là festival đầu tiên, là lễ hội sớm nhất, tưng bừng, hoành tráng nhất trong buổi bình minh dựng nước của chúng ta. Đó là bức thông điệp quý báu của cha ông dựng nên nước non này gửi tới muôn sau…
H.T.S