Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng độc đáo vô song. Là nhà thơ nữ, Xuân Hương nói lên tiếng nói ca ngợi và bênh vực cho phái mình. Là nhà thơ trào phúng, đả kích, bà không ngần ngại xé toạc hết các bộ mặt giả dối, lột trần hết lớp áo đạo đức cao ngạo của giai cấp thống trị đương thời để chúng lộ nguyên hình là một lũ bịp bợm, dối đời, dốt nát. Là nhà thơ trữ tình yêu đời, bà mang đến cho thiên nhiên, con người chất nhựa sống ngồn ngộn của mùa xuân… Và có thể nói, Xuân Hương cũng đã đem vào thơ Nôm của mình những nét văn hoá dân gian của dân tộc, khiến cho thơ bà trở nên gần gũi và dễ đi vào đời sống con người Việt Nam.
Đọc thơ Nôm Hồ Xuân Hương ta thấy nổi lên 4 yếu tố văn hoá cơ bản, đó là: Tục ăn trầu, phong tục lễ tết - lễ hội, văn hoá mặc và đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực.
1. Tục ăn trầu
Người Việt có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Đó là yếu tố đưa đẩy trước khi bắt đầu câu chuyện của người Việt trong văn hoá giao tiếp. Vì sao? Bởi vì, người Việt ưa sự tế nhị, ý tứ, có thói quen giao tiếp “vòng vo tam quốc” chứ không bao giờ mở đầu trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề như người phương Tây. Cho nên, họ lấy miếng trầu mời nhau là để tạo nên bầu không khí thân tình, gần gũi, dễ dàng trao đổi, chuyện trò. Vì vậy, tục ăn trầu trở thành một nghi lễ rất dân gian, nó là phong tục lâu đời của người Việt. Quả cau, miếng trầu trở thành hình ảnh quen thuộc với người Việt trong những dịp lễ Tết, cưới xin, tang ma, tiếp khách, ở những nơi linh thiêng trong thế giới tâm linh cũng như trong cuộc sống thường nhật.
Phong tục này cũng đã đi vào văn học từ rất sớm trong văn học dân gian với những truyện cổ tích: Tấm Cám, Trầu cau…, những bài ca dao trữ tình đằm thắm:
Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng thơm môi đỏ dạ sầu đăm chiêu.
hay:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không.
hoặc:
Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng người thô tham dày
Miếng trầu đến với thơ Hồ Xuân Hương tạo nên một tác phẩm vừa mang phong vị dân tộc, vừa thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo rất Xuân Hương – bài thơ Mời trầu:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Bài thơ có bốn câu, hai câu đầu là lời mời trầu, hai câu sau là lời nhắn nhủ. Lời mời trầu mở đầu rất tự nhiên trên cơ sở tiếp thu ca dao cổ: “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân…”. “Quả cau nho nhỏ” là cách nói ý nhị, khiêm tốn mà Xuân Hương đã tiếp thu từ lối nói của người phụ nữ trong câu ca dao cổ đó. Nhưng, “miếng trầu hôi” thì rõ ràng là tiếng nói của riêng Xuân Hương. Không phải miếng trầu cay, trầu vàng, trầu cánh phượng mà chỉ là một miếng trầu bình thường, nhỏ nhoi, kém thơm ngon – “trầu hôi”. Lời nói chân tình mà đáng thương, đáng trọng biết bao. Nó khiêm tốn đến tội nghiệp và mộc mạc đến xót xa. Nó cho thấy hoàn cảnh, thân phận bình thường, có phần hẩm hiu của người mời trầu.
Tự nhiên, khiêm tốn là thế, nhưng lời mời trầu ấy vẫn thể hiện sự ý thức về bản thân, một sự táo bạo nhưng chân thật, tinh nghịch mà không mất đi nét nữ tính của Hồ Xuân Hương: “Này của Xuân Hương mới quệt rồi”.
Sau lời mời trầu là lời nhắn nhủ đầy cảm xúc: “Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi”. Lời nhắn nhủ này không chỉ là khát vọng về một tình yêu chung thuỷ, một mối quan hệ lứa đôi tốt đẹp, mà còn là sự dự cảm về một tương lai bấp bênh, không bền vững.
Một đặc điểm dễ nhận ra trong thơ Hồ Xuân Hương là tính hai nghĩa. Hầu như bài thơ nào của bà chúa thơ Nôm cũng thể hiện rất rõ điều này. Mời trầu cũng vậy. Thông qua việc tả thực: vôi trắng quyện với trầu xanh thành màu đỏ thắm, Xuân Hương muốn đề cập đến tầng nghĩa thứ hai đó là duyên đôi lứa: nếu phải duyên thì “thắm lại”, còn không phải duyên thì cũng chớ nên bội bạc, cạn tình với nhau.
Như vậy, miếng trầu trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ có ý nghĩa là tín hiệu giao duyên hay tín hiệu hôn nhân như thường thấy trong ca dao mà có khi nó còn là sự đồng cảm của hai trái tim, hai tâm hồn. Cũng như trong truyện cổ tích Trầu cau, sắc thắm của trầu là biểu hiện sự đồng cảm giữa con tim đối với con tim. Miếng trầu có khi còn là sự dự cảm về tương lai. Không như miếng trầu đã định hình và mang tính chất “tĩnh” trong nhiều bài ca dao, miếng trầu của Xuân hương được miêu tả trong tính “động” của quá trình kết hợp và biến hoá của các sự vật tự nhiên: Trầu xanh hoà cùng vôi trắng thành sắc thắm và hương vị đặc trưng. Thế nhưng, trong dự cảm của mình, tác giả lại không nhìn sắc thắm ấy trong sự hoà kết mà nhìn nó trong tư duy phân tích, tách rời giữa trầu xanh và vôi bạc, để rồi lấy cái xanh của lá mà nói cái dửng dưng, vô cảm của con người, lấy cái bạc của vôi mà xót xa cho sự bạc bẽo của nhân tình.
Đấy là câu chuyện sau miếng trầu của Hồ Xuân Hương. Từ một nét văn hoá dân gian của dân tộc, nhưng đi vào thơ Hồ Xuân Hương, nó vừa là nó mà như không phải nó. Miếng trầu làm yếu tố đưa đẩy (nhân chuyện này để nói chuyện kia) cho Xuân Hương bày tỏ lòng mình, nhưng nó không còn nguyên ý nghĩa là biểu tượng cho sự gắn kết giữa con người với con người như thường thấy nữa, mà qua việc tách rời hai hình ảnh vốn rất thực: trầu xanh, vôi trắng, Xuân Hương đã tạo cho nó một nét nghĩa mới: sự dửng dưng, bạc bẽo của tình người.
2. Phong tục lễ Tết, lễ hội
Với đặc trưng là một nền văn hoá gắn với nông nghiệp lúa nước - nghề sản xuất mang tính thời vụ cao, lúc mùa vụ thì tối tăm mặt mũi, đến bữa ăn cũng chỉ đại khái, đến lúc hết vụ, nhàn rỗi thì chơi bù, ăn bù những tháng ngày vất vả - dẫn đến nhiều lễ Tết, lễ hội trong văn hoá Việt Nam.
Phong tục lễ Tết, lễ hội không xuất hiện nhiều trong thơ Hồ Xuân Hương, nhưng chỉ bằng vài nét phác hoạ, nhà thơ đã giúp ta hình dung một cách đầy sinh động không khí sinh hoạt văn hoá của dân gian - trò chơi đánh đu - trong hội xuân.
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.
(Đánh đu)
Nếu gạt đi tầng “nghĩa ngầm” thì bài thơ là bức tranh về hội đánh đu của văn hoá dân gian. Đây là một trò chơi khoẻ và đẹp. Cho đến nay, ở miền Bắc, một số nơi vẫn giữ trò chơi này vào hội xuân.
Đặt trò chơi vào trong xã hội phong kiến với quy tắc: “nam, nữ thụ thụ bất thân” mới thấy hết giá trị của trò chơi này đối với nam nữ thanh niên lúc bấy giờ. Chỉ có trong ngày hội ngắn ngủi ấy thì xã hội mới cho phép họ được đứng gần nhau đến vậy mà tung bay với nhau giữa không gian xuân sắc, mà tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Cho nên, kết thúc bài thơ, tưởng chỉ là lời nghịch ngợm của tác giả song cũng là niềm luyến tiếc bâng khuâng về ngày xuân trôi qua, cuộc vui không còn.
3. Văn hoá mặc
Mỗi dân tộc có cách ăn mặc và trang sức riêng, qua cách ăn mặc có thể thấy được văn hoá của dân tộc đó, cho nên, cái mặc không chỉ giúp người ta ứng phó được với môi trường tự nhiên, làm đẹp cho con người, mà còn trở thành biểu tượng của văn hoá dân tộc.
Văn hoá mặc của người Việt Nam đi vào thơ Nôm Hồ Xuân Hương không nhiều, dù vậy, nó vẫn thể hiện một nét đẹp về văn hoá của người Việt xưa. Nét văn hoá ấy thể hiện ở hình ảnh “yếm đào” trong bài Thiếu nữ ngủ ngày: “Yếm đào trễ xuống dưới nương long”, và hình ảnh “Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới” trong bài Đánh đu.
Nói đến yếm là nói đến một trang phục mặc phía trên của người phụ nữ ngày xưa, do chính tay họ cắt, may, nhuộm lấy. Yếm trở thành nét đặc thù cho người phụ nữ Việt xưa. Không chỉ là biểu tượng của tính nữ, mà có khi yếm còn là nhịp cầu nối cho tình yêu đôi lứa trong ca dao:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi.
Hay:
Trầu em têm tối hôm qua
Cất trong giải yếm mở ra mời chàng.
Từ giải yếm trong văn hoá dân tộc đến chiếc yếm đào của cô thiếu nữ trong thơ Hồ Xuân Hương có gì vừa gần gũi, thân quen, lại vừa như mới lạ. Quen, vì nó đúng là chiếc yếm của người phụ nữ Việt, nhưng mới lạ bởi cái sự “trễ xuống dưới nương long” của nó. Cái sự trễ ấy dường như đã chệch ra khỏi chuẩn mực xã hội, khỏi nếp ràng buộc bình thường. Nó là cái để che ngực, thể hiện sự kín đáo, duyên dáng của người phụ nữ, vậy mà, ở đây, chỉ vì “nằm chơi” ai ngờ lại “quá giấc nồng”, người con gái trẻ trung ấy đã vô tình để cho giải yếm thắm “trễ xuống dưới nương long” để rồi phô trọn mình ra với tất cả vẻ đẹp tinh khôi, trong trắng đến tuyệt vời:
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Văn hoá mặc của người Việt Nam không chỉ thể hiện ở loại trang phục, nó còn thể hiện cả trong vật liệu và màu sắc của trang phục nữa. Ví như, khi lao động, họ thường mặc những màu mang tính âm nhiều hơn: đen, nâu…, vào dịp lễ hội thì mặc nhiều màu dương tính hơn: Vàng mơ, vàng chanh, hồng đào, cánh sen, xanh hồ thuỷ… Khi cưới thì chuộng màu đỏ hoặc hồng - màu đại cát, đại lợi; khi tang ma thì mang màu trắng… Cho nên, đọc bài thơ Đánh đu, hình ảnh “bốn mảnh quần hồng” tung bay giữa ngày hội xuân của đôi trai gái, một lần nữa khẳng định truyền thống của người Việt về phương diện văn hoá mặc.
4. Tín ngưỡng phồn thực
Người ta tranh cãi rất nhiều quanh vấn đế cái “tục” trong thơ Hồ Xuân Hương. Có người cho là “dâm”, người theo phân tâm học Freud thì cho là sự ẩn ức, khủng hoảng tình dục, người bênh vực thì bảo không “tục” mà lại “thanh”…
Không thể phủ nhận một sự thật là thơ Hồ Xuân Hương nói nhiều đến cái “tục”. Nhưng, phải chăng nên hiểu như Đỗ Lai Thuý rằng: “Cái tục trong thơ ấy, trong người ấy là viên đá thử vàng, là kính chiếu yêu, là gương giếng làm hiện hình chân diện của mọi học giả đến soi vào.” Mặt khác, nếu tìm đến ngọn nguồn của vấn đề trong mối quan hệ của nó với văn hoá dân gian Việt Nam thì sẽ nhận ra được sự ảnh hưởng không nhỏ của tín ngưỡng phồn thực đối với thơ Xuân Hương.
Tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng tôn giáo phổ biến trong đời sống nhân loại. Nó xuất hiện vào thời kì “Cách mạng đá mới”, khi con người chuyển từ săn bắt, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi. Nó thể hiện mong muốn của con người về sự phồn sinh, phồn thực. Bởi vậy, họ thờ sinh thực khí và hành vi giao phối như là biểu tượng của thế giới huyền bí hùng mạnh, toàn năng, có thể ban phát mọi sự phồn thịnh. Ở Việt Nam, do những điều kiện đặc thù của nền văn minh nông nghiệp cùng với tâm lý và điều kiện lịch sử - xã hội riêng, tín ngưỡng phồn thực không phát triển lên những tầm cao mà lan toả trong các lĩnh vực của đời sống, trở thành một trong những cơ sở tâm linh Việt. Ngày nay, dấu vết của tín ngưỡng này còn lại khá nhiều: cây cột đá tương truyền là nơi Thánh Gióng buộc ngựa ở Vũ Ninh, cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Một Cột (Hà Nội), tượng đá, hình nam nữ với bộ phận sinh dục phóng to có niên đại hàng nghìn năm trước Công nguyên được tìm thấy ở Văn Điển (Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), tượng người với bộ phận sinh dục được phóng to ở nhà mồ Tây Nguyên, tượng bốn đôi nam nữ đang trong tư thế giao hợp trên thạp đồng Đào Thịnh, tục thờ cúng Nõ, Nường ở Phú Thọ, Hà Tĩnh, tục rước sinh thực khí bằng gỗ ở Đồng Kị (Bắc Ninh), việc thờ các loại hốc đá, hốc cây, kẽ nứt trên tảng đá lớn, trò chơi cướp cầu ở Phú Thọ… Những biểu tượng của phồn thực (âm dương vật, hành vi tính giao, tinh dịch) trở thành một thứ khuôn mẫu trong tâm thức dân gian, và xuất hiện trong các loại hình văn hoá dân gian và các sáng tác cá nhân tạo nên cả một dòng văn hoá “dâm”, “tục” trước Xuân Hương: Truyền thuyết về ông Đùng bà Đá, truyện Tiếu lâm, Đố tục giảng thanh, Truyện Trạng, Hề chèo…
Đến Hồ Xuân Hương, người ta thấy trong thơ bà nhiều biểu tượng ám ảnh được lặp lại với tần số cao - những biểu tượng phồn thực. Đó là những hình ảnh cổ sơ của bộ phận sinh dục, hành vi giao phối, và cả những hình ảnh - biểu tượng phái sinh.
Thơ Hồ Xuân Hương nói nhiều đến hang (Hang Thánh Hoá, Chùa Thầy, Hang Cắc Cớ), động (Động Hương Tích), kẽm (Kẽm Trống), đèo (Đèo Ba Dội), khe (Hang Thánh Hoá), giếng (Vịnh cái giếng)…đó là những hình ảnh gợi lên sự liên tưởng đến bộ phận sinh dục nữ ở dạng sơ thuỷ. Vì trong quan niệm âm - dương của người Việt thì trời là cha, đất là mẹ và con người được sinh ra từ lòng đất mẹ (Tục thờ mẹ Đất của người Việt là một minh chứng cho quan niệm này). Ngoài ra, những biểu tượng phái sinh khác như: cái quạt (Vịnh cái quạt I, Vịnh cái quạt II), cửa son (Đèo Ba Dội)… trong những văn cảnh nhất định cũng là những biểu tượng của âm vật trong thơ Hồ Xuân Hương.
Xuân Hương không nói nhiều đến những biểu tượng của bộ phận sinh dục nam, tuy nhiên cũng có một hình ảnh khá thú vị: “Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa” (Mắng học trò dốt). “Sừng” là biểu tượng của chăn nuôi, của dương tính, của sinh thực khí nam, cho nên, có thể nhận ra ở đây hàm nghĩa thứ hai trong thơ bà chúa thơ Nôm. Ngoài ra, về vấn đề này cũng có một số biểu tượng phái sinh: Con cò, con suốt (Dệt cửi)…
Cuối cùng là những hình ảnh liên tưởng đến hành động giao phối. Có thể tìm thấy chúng trong nhiều bài thơ của bà: Đánh đu, Đá Ông Chồng Bà Chồng, Thân phận người đàn bà, Hang Thánh Hoá, Dệt cửi….
Có thể nói, sự có mặt của yếu tố văn hoá này trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương xưa nay đã làm tốn rất nhiều giấy mực. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều: ngay cả khi lựa chọn phương tiện thể hiện là cái “tục”, thơ Xuân Hương vẫn không dung tục, tầm thường mà thật sự sâu sắc. Nhìn cuộc sống từ gốc độ nguyên sơ, Xuân Hương có cả một chuỗi hình tượng đi từ thân thể người đến những động tác tính giao, từ một lối nói bóng gió xa xôi đến một cách nói ỡm ờ…, tất cả được khoả lấp dưới bóng dáng của sự vật hàng ngày, khoả lấp mà vẫn lồ lộ, không chối cãi. Xuân Hương đã có một sự lựa chọn chính xác các chi tiết với những đặc điểm phù hợp cho mục đích diễn đạt của mình; một hệ thống ngôn ngữ tương ứng tạo ra một ngữ cảnh trong đó các từ, nhóm từ nâng đỡ nhau, dựa vào nhau để thực hiện đúng mệnh lệnh của người cầm bút. Đặc biệt, bà đã thổi hồn mình vào thơ, đưa vào đó sức mạnh của sự sống cùng nỗi thiết tha với cuộc sống và khát vọng hạnh phúc. Chính vì thế, thơ Nôm Hồ Xuân Hương dù mang “hoài niệm phồn thực” (Đỗ Lai Thuý) vẫn mang một vẻ đẹp hiếm có. Ví như, khi miêu tả cái đèo (Đèo Ba Dội) thì: “cửa son”, “hòn đá”, “cành thông gió thốc”, “lá liễu sương gieo”, rồi, qua đèo thì phải “trèo”, “trèo” thì “mỏi gối chồn chân”. Từ đó mà gợi nên chuyện buồng the của nam nữ. Song, cái hay ở chỗ, tác giả không nói mọi người phải “trèo” đèo, mà chỉ là những bậc “hiền nhân quân tử”. Chính hai câu kết lơ lửng của bài thơ đã tạo nên ngữ cảnh cho mọi hình tượng, ngôn ngữ toàn bài như “đồng thanh tương ứng”, cùng dấy lên sự liên tưởng cần thiết đến nghĩa ngầm của bài thơ. Ở các bài Vịnh cái quạt I, II, Hang Cắc Cớ, Động Hương Tích, Vịnh cái giếng… cũng có cách hiểu như vậy. Cho nên, thơ Xuân Hương lồ lộ mà vẫn sâu sắc.
Cái “tục” trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ vượt ra ngoài quan niệm thẩm mĩ phong kiến đương thời mà còn khiến cho hậu thế phải ngỡ ngàng. Chính vì vậy, có thể xem nhà thơ nữ độc đáo này là một hiện tượng “nổi loạn” của xã hội bấy giờ. Càng đặc biệt hơn, Xuân Hương lại là phái nữ - vốn là những người kín đáo, tế nhị, không mấy khi đủ can đảm để bàn về chuyện riêng tư nam nữ, ấy thế mà lại không ngần ngại phô bày “tất cả” lên trang giấy một cách quyết liệt, mạnh mẽ mà cũng thật thiết tha. Táo bạo như Xuân Hương đâu phải ai cũng làm được, ngay cả những đấng mày râu. Âu đó cũng là bản lĩnh Xuân Hương vậy.
* * *
Các yếu tố văn hoá dân tộc đi vào thơ Hồ Xuân Hương có khi là do dụng ý của nhà thơ, cũng có khi chỉ là sự ngẫu nhiên. Nhưng, dù vô tình hay hữu ý thì sự dung hợp giữa văn hoá dân tộc và văn học cũng đã góp phần đem lại cho thơ Nôm Hồ Xuân Hương một diện mạo riêng, bên cạnh phong cách độc đáo của nhà thơ.
N.T.M.H